Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Xu hướng hiện nay có khá là nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ có mong muốn làm việc tại các công ty Nhật Bản (đặc biệt như các công ty hàng đầu như Toyota, Honda, Sony, .v.v.), và 1 trong những vấn đề đặt ra đó là làm thế nào để có 1 buổi phóng vấn tiếng Nhật hiệu quả và mỹ mãn. Trong bài viết lần này, chúng ta sẽ tổng hợp 1 số các lời khuyên giúp việc tham gia phỏng vấn tiếng Nhật gây được ấn tượng tốt và đạt hiệu quả cao nhất.


1. Luôn luôn nói tiếng Nhật thể lịch sự "masu"

Trong tiếng Nhật chúng ta luôn tồn tại ít nhất 2 văn phong cơ bản nhất của tiếng Nhật đó là thể lịch sự và thể thông thường. Thể thông thường hay có thể tạm hiểu là cách nói chuyên được dùng khi nói chuyện với những người thân quen ví dụ như bạn bè. Tuy nhiên trong trường hợp khi đi phỏng vấn tiếng Nhật, 1 điều lưu ý tối quan trọng đó là bạn phải luôn dùng thể lịch sự. Chúng ta có thể lấy ví dụ 2 câu sau:
        a) 長くアルバイトをしていたんで,経験があります.
        b) 長くアルバイトをしていましたので,経験があります.
Như chúng ta có thể thấy, cả 2 câu nếu xét về mặt ngữ pháp thì không sai, tuy nhiên câu (a) được dùng dưới dạng thể thông thường và câu (b) được dùng dưới dạng thể lịch sự và phải kết thúc bằng "masu". Đồng thời trong 1 câu có nhiều vế, bạn cũng phải kết thúc mỗi vế bằng "masu".

2. Luôn luôn dùng ngôn từ lịch sự, tôn kính và khiêm nhường

Điều thứ nhất, trong phỏng vấn tiếng Nhật bạn đừng dùng những ngôn từ của giới trẻ hay tạm hiểu là những kiểu nói vắn tắt. Nếu bạn dùng những ngôn từ vắn tắt như vậy thì bạn sẽ bị trừ điểm vì "bất lịch sự". 1 vài ví dụ cho việc nói tắt trong tiếng Nhật như là: やはり (yahari) thànhやっぱり (yappari) hoặcやっぱ (yappa), てしまう (te shimau) thành ちゃう (chau), .v.v. Như vậy khi phỏng vấn bạn phải dùng やはり (yahari), てしまう (te shimau) thay vìやっぱ (yappa) hay ちゃう (chau). 1 vài lời khuyên khác khi dùng từ như là: nói そうですか (Thế ạ?) thay vì "Naruhodo" (cái này nếu bạn nào xem phim Nhật nhiều sẽ nghe thấy), hoặc thay vì nói mỗi どうもありがとう (Doumo arigatou) không mà bạn phải thêm cả ございます(gozaimasu) vào.

Điều thứ hai, trong phỏng vấn tiếng Nhật bạn nên dùng những ngôn từ lịch sự. Ví dụ những ngôn từ kính ngữ lịch sự như làお話 (ohanashi - "câu chuyện") thay vì (hanashi), お電話 (odenwa - "liên lạc điện thoại") thay vì電話 (denwa), ご連絡 (gorenraku - "liên lạc") thay vì 連絡 (renraku). Như vậy lấy ví dụ 1 câu như là "tôi sẽ liên lạc" thì bạn sẽ nói làご連絡をします (gorenraku shimasu), hoặc nếu bạn muốn lịch sự hơn nữa thì sẽ là ご連絡をいたします (gorenranku wo itashimasu).

Điều cuối cùng, 1 nguyên tắc đó là khi nói về người đối diện thì bạn nên dùng ngôn từ kính ngữ (sonkeigo) còn khi tự nói về bản thân thì bạn nên dùng ngôn từ khiêm tốn (kenjougo). Chúng ta lấy ví dụ từ "làm" (する", khi ở dạng tôn kính nó sẽ là "nasaru", còn dạng khiêm tốn sẽ là "itasu". Vậy khi áp dụng trong 1 câu chúng ta sẽ có:
            a) "Anh đã liên lạc chưa?" sẽ là ご連絡をなさいましたかgo-renraku wo nasaimashitaka.
        b) "Tôi đã liên lạc rồi" sẽ là ご連絡をいたしました go-renraku wo itashimashita.

3. Chú ý 1 vài câu nói/ câu hỏi thường gặp:

Đầu tiên 1 phép tắc trước khi bạn đi vào phòng phỏng vấn đó là bạn nên gõ cửa 2 lần và nói "shitsurei shimasu", khi bạn nghe thấy tiếng "dozou" thì đó là lúc bạn mới vào phòng. Khi vào phòng, bạn nên nói 1 câu xin chào ví dụ như今日は![Tên bạn]と申します.どうぞよろしくお願いします.(Konnichiwa! [Tên bạn] to moushimasu. Douzo yoroshiku onegai shimasu).

Câu đầu tiên mà các nhà tuyển dụng hay đưa ra đầu tiên đó là "xin hãy giởi thiệu bản thân": Jikoshoukai wo onegai shimasu (自己紹介をお願いします/じこしょうかいをおねがいします) (chìa khóa nằm ở từ自己紹介). Đây là lúc bạn sẽ tự giới thiệu về bản thân mình, và để cho việc tự giới thiệu trôi chảy thì bạn nên tự luyện tập trước ở nhà. Trong phần giới thiệu thông thường nên có tên tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, .v.v. và lưu ý là ngôn từ và cách ăn nói như đã lưu ý ở phần 2.

Tiếp theo họ có thể hỏi rằng "bạn biết những gì về công ty chúng tôi": (tên công ty) ni tsuite nani wo shitte imasu ka? (tên công ty について何を知っていますか/についてなにをしっていますか) (chìa khóa nằm ở tên công ty, 知っています). Khi nghe câu này, bạn hãy trả lời những gì mà bạn đã nghiên cứu được về công ty (ví dụ như lịch sử công ty, công ty chuyên về lĩnh vực gì, công ty sản xuất những mặt hàng gì, .v.v.). Ngoài ra họ có thể hỏi khác như là "Công ty chúng tôi làm về mặt hàng gì? Có những loại sản phẩm nào?": tên công ty ga dono youna seihin wo tsukutteiru ka, donna seihin ni tsukawareteiru ka gozonji desu ka? company name がどの様な製品を作っているか、どんな製品に使われているかご存知ですか/tên công ty がどのようなせいひんをつくっているか、どんなせいひんにつかわれているか ごぞんじですか) (chìa khóa nằm ở tên công ty, 製品 và thể động từ  作っている hoặc 使われている).

Câu hỏi tiếp theo thường được nhắc tới đó là "Bạn biết gì về vị trí công việc mà bạn đăng ký?": konkai omoushikomi no pojishon ni tsuite, dou rikai shiteimasu ka?“ (今回お申し込みのポジションについて、どう理解していますか / こんかいおもうしこみのぽじしょんについて、どうりかいしていますか) (chìa khóa nằm ởお申し込み, ポジション 理解). Đây là lúc bạn nói về những gì bạn nghiên cứu được về vị trí công việc và lý do bạn lựa chọn nó. Và sẽ là rất tốt nếu bạn cũng có thể nói được thêm kinh nghiệm của mình về vị trí đó.

Dạng câu hỏi đơn giản hơn sẽ là "tại sao bạn lại đăng ký công việc này?": oubodouki wo oshiete kudasai (応募動機を教えて下さい/おうぼどうきをおしえてください) (hoặc thay vào đó họ có thể hỏishiboudouki, oubo shita riyuu - 志望動機、応募した理由 / しぼうどうき、おうぼしたりゆう; hoặcouboshita kikkake - 応募したきっかけ / おうぼしたきっかけ; hoặc shibouriyuu - 志望理由 / しぼうりゆう). Trường hợp này khuyến khích bạn nói ra những kinh nghiệm và kĩ năng mình có và khẳng định nó phù hợp với công việc được đăng ký.

Ngoài những câu hỏi này ra, trong trường hợp bạn là người đang muốn chuyển sang 1 công việc mới, họ có thể sẽ hỏi "tại sao bạn muốn bỏ công việc hiện tại": ima no shigoto wo kaetai riyuu ha nan desu ka (今の仕事を替えたい理由は何ですか/いまのしごとをかえたいりゆうはなんですか). Trong trường hợp bạn nên cố gắng trả lời chính xác và tránh việc chỉ trích công việc ở công ty cũ.

1 câu hỏi khác cũng có thể được đặt ra là "nếu ở trong vị trí này thì bạn mong muốn đạt được điều gì?": anata ga moshi kono oshigoto ni saiyou saretara, okonaitai koto wo oshiete kudasai (あなたがもしこのお仕事に採用されたら、行いたいことを教えて下さい/あなたがもし このおしごとにさいようされたら、おこないたいことをおしえてください). Câu hỏi này cũng sẽ đòi hỏi bạn phải có kiến thức về công việc mà bạn đăng ký, đồng thời bạn cần nói rõ điều mà bạn mong muốn nếu được nhận việc.

Trên đây là tổng hợp các lưu ý và lời khuyên khi bạn tham gia phỏng vấn tiếng Nhật, chúc các bạn may mắn!

Nguồn: Akira Education
            Saromalang, fluentu


0 nhận xét:

Đăng nhận xét