Totto chan: cô bé bên cửa sổ
Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ (窓ぎわのトットちゃん- Madogiwa no Totto-chan, Totto-chan bên cửa sổ), tiếng Anh: Totto-Chan:The little girl at the window, là cuốn tự truyện của Kuroyanagi Tetsuko. Hơn bảy triệu bản của cuốn sách này đã được bán ở Nhật Bản. Ngay trong năm đầu tiên, năm 1979, bốn triệu rưỡi cuốn đã được bán. Đây là cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật sau Thế chiến thứ hai. Sau này cuốn sách đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, và có mặt trên rất nhiều cửa hàng sách của nhiều nước.
Totto-chan nghĩa là “bé Totto”, tên thân mật hồi nhỏ của tác giả Kuroyanagi Tetsuko. Totto-chan sinh trưởng trong một gia đình hạnh phúc, có cha là nghệ sĩ vĩ cầm, mẹ là vận động viên bóng rổ, nhà em còn nuôi con chó lớn tên Rocky. Trước khi em sinh ra, cha mẹ luôn nghĩ em sẽ là con trai nên đã đặt tên con là “Toru”, nghĩa là vang xa, thâm nhập. Nhưng vì Totto-chan là con gái nên gia đình đổi tên em thành Tetsuko. Cha của em thường gọi em một cách thân mật là “Totsky” (Totto-Suke ở nguyên gốc tiếng nhật).
Mới sáu tuổi, Totto-chan đã bị thôi học ở trường tiểu học vì em quá năng động và lạ lùng so với các bạn. Mẹ của Totto-chan biết ngôi trường bình thường không thể hiểu được con gái, bà liền xin cho em vào học tại Tomoe Gakuen (Trường Tomoe) của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku. Trường Tomoe có lớp học là những toa tàu cũ, cả trường chỉ có năm mươi học sinh, ai cũng đặc biệt như Totto-chan, thậm chí có cả những em bị khuyết tật. Nhưng vượt qua những trở ngại và khác biệt tính cách, các học sinh ở Tomoe đều hoà hợp với nhau như anh em. Thầy hiệu trưởng Kobayashi tôn trọng học sinh của mình, luôn để chúng tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh. Ở Tomoe không có thời khoá biểu nhất định, học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước và những môn không thích thì học sau cùng. Các thầy cô chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em khi cần và cho bài tập. Nhà trường còn tổ chức cắm trại, đi du lịch cho các em được mở mang tầm mắt, gần gũi với thiên nhiên.
Nhờ sự giáo dục của thầy hiệu trưởng Kobayashi, học sinh Tomoe đều trở thành những người tốt và thành đạt trong xã hội. Mặc dù trường Tomoe chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi rồi bị bom đạn của thế chiến thứ hai phá sập, toàn bộ học sinh luôn luôn khắc ghi ngôi trường trong kí ức của họ, đặc biệt là Totto-chan. Cô bé vẫn nhớ mãi lời thầy Kobayashi nói: “Em thật là một cô bé ngoan”. “Nếu không học ở Tomoe…” – tác giả viết – “nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác ‘đứa bé hư’ mà mọi người gán cho”.[2] Nhà văn Tetsuko dành những trang cuối của tác phẩm để viết các bạn bè cùng lớp của mình và cả cuộc sống sau này của họ. Có người đã trở thành nhà khoa học, người chuyên trồng hoa lan, người trở thành nhà giáo dục và nghệ sĩ nhưng cũng có người đã qua đời vì bệnh tật.
“ Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa. ”
_Thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku_
“Totto-chan bên cửa sổ” là cái nhìn xa xăm về thuở ấu thơ, là nỗi tiếc nuối cho một nền giáo dục Tomoe tuyệt vời đã qua, và cũng là đơn giản chỉ là để thể hiện sự ghẻ lạnh của mọi người đối với một cô bé hiếu động, nghịch ngợm.
Không giống như những cuốn sách giáo dục tầm cỡ, “Totto-chan bên cửa sổ” như một kinh nghiệm nhỏ về việc dạy dỗ lứa tuổi non nớt, như một lời hứa chất chứa thương yêu mà Tedsuko dành tặng cho thầy hiệu trưởng kính mến, thầy Kobayashi.
Thầy là người thầy, người cha, người mẹ, người bạn của các em nhỏ. Thầy sẵn sàng lắng nghe Totto-chan kể những câu chuyện hài hước, rời rạc trong vòng bốn tiếng đồng hồ mà không hề tỏ ra chán nản. Thầy luôn động viên các em trò chuyện trong giờ cơm trưa. Rồi còn khuyến khích các em sáng tác truyện, đứng trước lớp kể cho bạn bè nghe. Có như thế các em mới không cảm thấy xấu hổ khi đứng trước đám đông trình bày về suy nghĩ của mình. Ở thầy, tôi học được những ý nghĩa đích thực của việc nuôi dưỡng tâm hồn và thể chất của trẻ nhỏ.
“… Có mắt mà không nhìn thấy vẻ đẹp, có tai mà không thấy điều hay, có trái tim mà không thấy chân lý, chưa cảm kích thì chưa thể cháy hết mình…”
Thầy phê phán nền giáo dục lắm chữ viết và ngôn từ sẽ dễ dàng bóp nghẹt đam mê của các em học sinh. Thầy nói rằng:
“Đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt. Cùng với sự trưởng thành những phẩm chất đó bị phá hỏng bởi môi trường xung quanh và ảnh hưởng của người lớn. Vì vậy, phải sớm tìm ra “phẩm chất tốt” ở đứa trẻ, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở thành một người có cá tính.”
Thầy cũng căn dặn các cô bảo mẫu:
“Không được gò các em vào kế hoạch của cô giáo. Phải cho các em vui chơi thoải mái trong thiên nhiên. Ước mơ của các em còn lớn hơn nhiều kế hoạch của cô giáo.”
Chẳng có gì tuyệt diệu hơn là để các em thỏa sức chơi đùa và được tự do thổ lộ những tâm tư tình cảm hồn nhiên, ngộ nghĩnh của mình. Đừng bao giờ ngăn cản chúng nhé! Bởi trong mỗi chúng ta đã từng có một thời như thế cơ mà!
Nhưng thật đáng tiếc, nền giáo dục Tomoe đã không còn, đã bị vùi sâu trong ngọn lửa ác nghiệt của chiến tranh. Và không lâu sau đó, thầy Kobayashi cũng ra đi. Thầy mất khi chưa kịp thực hiện giấc mơ của mình: giấc mơ Tomoe.
Cuốn sách như mở một cánh cửa thần tiên đưa ta đến những góc nhìn vô tư của tuổi thơ. Nơi ta bắt gặp những sắc màu tươi sáng của tình bạn đơm hoa kết trái trong lòng hai đứa trẻ khác biệt về thể chất, nhưng cùng hòa chung nhịp đập để cất cao lời ca tiếng hát ngợi khen về ngôi trường đáng yêu của chúng. Nơi ta như nghe lại tiếng con tim vang lên giai điệu tha thiết, xúc động về thời cắp sách. Và cũng là nơi ta soi lại chính mình để tìm kiếm một kỷ niệm bị lãng quên, tưởng chừng như đã ngủ yên mãi mãi trong khoảng lặng tâm hồn.
Nguồn: Akira
0 nhận xét:
Đăng nhận xét