Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Giáo dục mầm non Nhật Bản.


Phần II : Tại sao trẻ em Nhật Bản lại giỏi như vậy.

Với những điều bản thân tận mắt chứng kiến về giáo dục mầm non Nhật Bản, tôi cảm thấy không có gì khó hiểu lắm khi đất nước Mặt Trời mọc này lại đầy những con người phi thường, dù trong chiến tranh, trong phát triển kinh tế, hay cả trong những thảm họa thiên tai khủng khiếp như động đất, sóng thần, họ vẫn thể hiện một tinh thần vô cùng Nhật Bản – khiến chúng ta ai cũng phải ngưỡng mộ.
Bằng cách nào mà họ lại có thể dạy trẻ em làm được những điều tuyệt vời đến như vậy?
Để làm sáng tỏ vấn đề này, tôi đã có những buổi thảo luận và trao đổi trực tiếp với cô hiệu trưởng cùng các cô giáo trong trường.

1. Chơi để học, trẻ em cần được chơi, và học qua chơi.

giáo dục mầm non nhật bản
Giáo dục mầm non Nhật Bản – “Nếu bé tự mày mò và phát hiện ra rằng màu xanh da trời trộn với màu vàng sẽ thành màu xanh lá cây, bé sẽ nhớ rất lâu” – cô chia sẻ.
Cô giáo chủ nhiệm lớp Usagi-gumi giải thích với tôi, quan điểm cơ bản của giáo dục Nhật Bản là: “Tạo điều kiện tối đa để trẻ tự trải nghiệm và khám phá”. Cách tiếp nhận kiến thức của trẻ không giống như người lớn. Người trưởng thành có học bằng cách đọc sách, hoặc nghe người khác giảng giải lại là có thể hiểu và nắm vững vấn đề, còn trẻ em thì không học như vậy. Trẻ không khám phá thế giới bằng sách vở, mà bằng chính những điều các em trải qua.

Trẻ có thể học thuộc lòng “hạt nẩy mầm thành chồi, chồi lớn thành cây, cây ra nụ, nụ nở thành hoa…”, nhưng chỉ là học thuộc lòng thôi, chứ không phải thật sự hiểu.
Vì vậy, các cô luôn cố gắng nói ít nhất có thể, và tạo điều kiện cho các bé tự trải nghiệm. Một đứa trẻ tự mình khám phá ra rằng gõ 2 thanh kim loại vào nhau sẽ phát ra tiếng động, dù đó là điều ai cũng biết cả rồi nhưng với trẻ thì sự kiện đó cũng giống hệt như Edison phát minh ra bóng đèn vậy. Trẻ sẽ học được rất nhiều từ đó.


2. Môi trường phong phú

Theo cô hiệu trưởng, một trong những điều rất quan trọng một trường mầm non cần làm được, đó là tạo ra một môi trường đủ phong phú cho trẻ trải nghiệm, từ cỏ cây, hoa lá, bãi cát, sân chơi, các trò chơi dân gian, đồ thủ công, màu vẽ… Những hoạt động vui chơi hàng ngày, cũng chính là những lớp học về thế giới bên ngoài dành cho trẻ.
Môi trường mà các trường mầm non Nhật Bản tạo ra không chỉ là “môi trường” về cơ sở vật chất, mà còn là môi trường tương tác giữa trẻ em với trẻ em, và giữa trẻ em với các cô giáo.
Các bé được khuyến khích chơi cùng nhau, khi thấy có bé nào chơi 1 mình thì các cô giáo sẽ ra hỏi chuyện và tìm cách giúp bé hòa nhập vào một nhóm nào đó. Khi giữa các bé có xích mích – chuyện không thể tránh khỏi khi trẻ em chơi với nhau, đây cũng là lúc các cô giáo sẽ ra tay, nhưng không phải làm trọng tài phân xử “đúng-sai”, không có ai đúng, không có ai sai, cả hai phía đều phải nhìn lại xem mình đã có lỗi gì và xin lỗi bạn, sau đó ra dấu làm hòa. Mới ít phút trước còn giận dỗi nhau là thế, vậy mà chỉ ít phút sau các bé đã nắm tay nhau, cười thật tươi và tiếp tục cùng nhau khám phá thế giới.
đọc về giáo dục mầm non nhật bản
Giáo dục mầm non Nhật Bản – Đúng sai không quan trọng bằng tình bạn của chúng ta

Không chỉ có vậy, nhà trường còn tổ chức rất nhiều các hoạt động tập thể, để các bé có cơ hội chơi đùa với nhau, hoặc cùng nhau nỗ lực, cố gắng vượt qua một thử thách trong trò chơi. Một tuần trung bình có từ 2-3 hoạt động như vậy.

Tôi nhận ra rằng, trẻ em Nhật Bản được học cách ứng xử, đối nhân xử thế ngay từ khi các bé học trong trường mẫu giáo. Những chuẩn mực ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa của dân tộc được các cô giáo khéo léo truyền cho trẻ từng chút một thông qua các hoạt động hàng ngày.

Giáo dục mầm non Nhật Bản: Bé cùng đào đất trồng khoai – Cùng thu hoạch khoai
Các trường mầm non Nhật Bản luôn cố gắng tạo cho trẻ môi trường tốt nhất để đạt được 5 mục tiêu chính sau:
+ Trẻ có tâm hồn phong phú.
+ Trẻ khỏe mạnh.
+ Trẻ hòa nhập và có nhiều bạn thân.
+ Trẻ chịu khó suy nghĩ.
+ Trẻ luôn cố gắng và nỗ lực. (khi gặp khó khăn, thử thách…)
Đây cũng là 5 mục tiêu chính của giáo dục mầm non Nhật Bản.



3. Rèn luyện thói quen và tính cách cho trẻ

giáo dục mầm non nhật bản như thế nào
Giáo dục mầm non Nhật Bản: Trẻ em thích tự làm hơn nhiều việc “bị” người khác làm hộ
Khi tôi kể rằng trẻ em Việt Nam dù học cấp I rồi nhưng vẫn còn nhiều bé được bố mẹ hoặc cô giáo xúc cho ăn, mặc quần áo hộ, lần này đến lượt cô hiệu trưởng tròn mắt ngạc nhiên và hỏi tôi “Thật vậy sao? Tại sao các bà mẹ Việt Nam lại làm như vậy nhỉ, các bé hoàn toàn có thể tự làm được mà?”. Tôi giải thích rằng có lẽ vì để các bé tự làm thì mất nhiều thời gian quá, mặc áo cũng mất tới 5~10 phút, các bé tự ăn thì có khi mất tới cả tiếng vẫn chưa ăn xong, vì vậy mà các bậc phụ huynh mới phải trợ giúp cho nhanh.
Cô hiệu trưởng giải thích rằng, trẻ em khi mới bắt đầu tập làm một việc gì đó thì không thể làm tốt ngay được, không chỉ trẻ em Việt Nam mà trẻ em Nhật Bản cũng như vậy. Như việc mặc áo, lúc đầu các bé mặc rất chậm, xỏ nhầm tay, cài nhầm khuy suốt, nhưng rồi cứ làm nhiều thì các bé dần biết cách làm, làm nhanh hơn và chính xác hơn. Hoặc đôi khi các bé đánh đổ những hạt đỗ, hạt vừng (dùng để chơi) vương vãi khắp lớp học, để dọn những thứ này đòi hỏi phải có sự khéo léo trong việc sử dụng chổi, nên bình thường dù các bé có quét đi quét lại vài lần cũng không sạch được. Và bao giờ sau khi các bé ra về hết, các cô giáo cũng phải dọn dẹp và sắp xếp lại lớp học một lần nữa.
Nhưng chúng tôi vẫn cho các bé làm, làm không phải để dọn sạch lớp, làm là để rèn thói quen sạch sẽ, rèn tính cách tự giác cho trẻ.” – cô hiệu trưởng chia sẻ.
Một lớp học mẫu giáo công lập của Nhật Bản có thể lên tới 30 trẻ, nhưng chỉ có duy nhất 1 cô giáo. Nhưng tôi chưa từng thấy các cô giáo phải gào lên hay gồng mình để quản các bé, bởi vì các bé rất tự giác.
Các cô chia sẻ: “Thời gian đầu khi trẻ mới nhập học thì công việc khá vất vả, vì trẻ chưa quen nên chúng tôi phải thường xuyên nhắc nhở, theo sát trẻ từng chút một; nhưng sau một thời gian dài, khi đã rèn thành nề nếp cho trẻ thì mọi thứ nhẹ nhàng hơn nhiều.”.


4. Bố mẹ đóng vai trò rất lớn trong việc dạy trẻ

Trẻ em ở Nhật Bản chỉ đến trường từ 9h sáng đến 2h chiều, 5 buổi 1 tuần, tức là chỉ khoảng 25h/tuần, thời gian các bé ở bên gia đình nhiều hơn thời gian bé ở trường tới 7 lần. Chính vì vậy, bố mẹ đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển và định hình tính cách của trẻ.
Bởi vì trẻ em học tập bằng cách bắt chiếc chứ không phải thông qua những gì chúng ta nói với trẻ. Nên cuộc sống gia đình, các ứng xử, nói năng của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến trẻ.
giáo dục mầm non nhật bản tốt như nào
Giáo dục mầm non Nhật Bản: Các chú công an đến tận trường dạy trẻ luật giao thông
“Ở trường chúng tôi có thể dạy trẻ cố gắng tự lập, giữ gìn vệ sinh, chấp hành luật giao thông… nhưng khi về nhà nếu bố mẹ lại làm ngược lại thì tất cả những điều trên sẽ trở thành vô nghĩa.” – Cô hiệu trưởng nói.
Dù các cô giáo cónỗ lực đến mấy để dạy trẻ đi đúng luật giao thông, nhưng khi đưa trẻ đi chơi bố mẹ lại vượt đèn đỏ thì trẻ cũng sẽ không chấp hành luật giao thông. Hoặc trong việc dạy trẻ tự lập, ở lớp các cô giáo cố gắng rèn thói quen cho trẻ biết dọn dẹp khi thấy bừa bãi, nhưng về nhà bố mẹ lại làm hộ thì trẻ cũng không hình thành được ý thức tự giác.
Chính bố mẹ, những người ở gần trẻ nhất, có ảnh hưởng đến trẻ nhiều nhất, sẽ quyết định tính cách của trẻ” – cô hiệu trưởng chia sẻ.
Nếu từ nhỏ trẻ đã được nuông chiều thì tính tự giác và khả năng tự lập sẽ giảm, khi trẻ đã quen được bố mẹ xúc cho ăn, hoặc quen với việc cứ ăn vạ là bố mẹ sẽ phải dỗ, phải mua kẹo hoặc chiều theo ý trẻ… thì sẽ rất khó để trẻ thay đổi. Vì trẻ con chưa thể suy nghĩ và phân tích mọi chuyện như người lớn, trẻ chưa thể hiểu câu “cái này nên làm vì tốt cho tương lai…”, trẻ chỉ hành động theo thói quen mà thôi. Mà thói quen thì luôn cần nhiều thời gian để hình thành, và khi đã hình thành rồi thì còn cần nhiều thời gian hơn nhiều lần để thay đổi.
Theo quan điểm của một cô giáo, “Bố mẹ cần phải kiêm quyết với các thói quen xấu của bé”.
Để việc nuôi dạy trẻ đạt hiệu quả tốt hơn từ phía gia đình, các cô giáo thường xuyên có các buổi trao đổi và chia sẻ với phụ huynh về cách nuôi dạy con. Và các bố mẹ người Nhật cũng rất “nghe lời” cô giáo, “Về kinh tế hay kế toán thì tôi rất tự tin, nhưng về việc nuôi dạy trẻ thì tôi lại chẳng biết gì, nên tôi luôn cố gắng làm theo hướng dẫn của các cô giáo – những người có chuyên môn về việc này” – một người mẹ chia sẻ.



5. Cần tin tưởng và kiên nhẫn

giáo dục mầm non nhật bản hiện nay
Giáo dục mầm non Nhật Bản: Các bé học nấu ăn
Đôi khi các cô giáo cũng gặp rắc rối với những phụ huynh chưa có kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ. Một số bố mẹ lo lắng rằng con họ chưa đủ khả năng để có thể làm được những việc như cô giáo yêu cầu. Một số khác thì lại sốt ruột khi thấy con mình mãi vẫn chưa tự giác hoặc chưa làm được những việc như bạn bè.

Trẻ em rất giỏi, các bé có khả năng làm được rất nhiều việc, hơn tưởng tượng của chúng ta rất nhiều. Điều quan trọng là ta phải tin tưởng, tạo điều kiện và hỗ trợ để trẻ phát huy được hết khả năng của mình” – Cô hiệu trưởng chia sẻ.
Dạy trẻ cũng như trồng cây, không phải hôm nay tưới là ngày mai cây sẽ ra hoa, không phải hôm nay đưa trẻ đến trường thì hôm sau trẻ sẽ giỏi ngay được. Bởi vì mục đích là rèn thói quen và tính cách nên cần rất nhiều thời gian. Ngoài ra mỗi bé đều có khả năng khác nhau, có bé tự lập được từ rất sớm, có bé cần nhiều thời gian hơn. Tùy vào công việc mà khả năng tiếp thu của bé cũng khác nhau, có việc bé sẽ học rất nhanh nhưng cũng có việc bé mất nhiều ngày mới làm được.
Còn nữa.

Giáo dục mầm non Nhật Bản.


Phần I: Những câu chuyện không thể tin nổi

giao-duc-nhat-ban
Giáo dục mầm non Nhật Bản: các bé tự tay trồng và thu hoạch rau củ

Học không chỉ là trên sách vở

Điều đầu tiên khiến tôi rất ngạc nhiên là phương pháp dạy học ở các trường mầm non của Nhật Bản. Để giúp trẻ có tình yêu thương với động vật, cô giáo không nói “các em phải biết yêu thương động vật”, mà họ cho các bé tự nuôi và chăm sóc một loại động vật gì đó như: gà, chuột lang, thỏ, rùa, thậm chí là cả giun đất… mỗi một nhóm từ 4-5 em sẽ chăm sóc một con. Qua quá trình các bé ngày ngày chăm sóc thú cưng của mình, chơi đùa, trò chuyện, cho ăn, dọn chuồng… đặc biệt những khi thú bị ốm, tình cảm của các bé với các loài động vật sẽ dần được hình thành. Sau đó, cô giáo chỉ cần nói rất ít về tình yêu thương động vật mà trẻ vẫn hiểu được một cách sâu sắc.
Để giúp trẻ hiểu rằng không nên lãng phí đồ ăn, cô giáo không giảng “một hạt thóc vàng chín hạt mồ hôi, nên các em không được lãng phí…”. Các bé được trực tiếp trồng lúa hoặc các loại rau củ trong vườn cây hoặc bồn hoa của trường. Các bé sẽ tự reo hạt, chăm sóc, cho tới thu hoạch, tất nhiên là vẫn dưới có giáo viên hướng dẫn nhưng chủ yếu là các bé tự làm. Qua đó, trẻ hiểu được để làm ra được một củ cải hoặc một củ khoai cho các bé ăn, các bác nông dân đã vất vả như thế nào. 

Chơi… là chính

Hàng ngày các bé đến trường học từ 9h sáng cho tới 2h chiều, và hầu hết thời gian của trẻ ở trường là để… chơi. Chỉ có 30 phút trước khi ra về là giờ hát tập thể và nghe cô giáo kể chuyện. Toàn bộ thời gian còn lại, các bé có thể chơi bất cứ trò gì mình thích trong khuôn viên nhà trường.

Trong trường có rất nhiều thứ để chơi, từ trong nhà ra đến ngoài sân, ở ngoài sân có bãi cát, xích đu, cầu trượt, dây leo… còn trong nhà có các loại nhạc cụ, đồ chơi, gỗ, gối, gấu bông, búp bê, chăn, chiếu, băng dính, giấy màu…
Rất nhiều thứ để chơi, và những loại đồ chơi này đều có đặc điểm chung là giúp trẻ phát triển trí thông minh và khả năng sáng tạo. Trẻ sẽ phải suy nghĩ, tìm tòi cách chơi, cách kết hợp những thứ có sẵn trong lớp học hoặc ngoài sân để có được những trò chơi thú vị.
Các bé được tự do chơi và làm thứ mình thích. Các cô giáo hoàn toàn không can thiệp vào quá trình vui chơi của trẻ, chỉ đứng từ xa quan sát và hỗ trợ khi cần thiết.
giao-duc-mam-non-nhat-ban-cung-nhau-vui-choi
Giáo dục mầm non Nhật Bản – Cùng nhau vui chơi
Một nhóm khác bày biện các dụng cụ và chạy nhảy ngoài sân
Một nhóm khác bày biện các dụng cụ và chạy nhảy ngoài sân
Một nhóm đi đào đất, xây hầm, xây nhà…
Có bé chơi xích đu, nhào lộn hoặc đu xà…
Có bé chơi với búp bê…
Có bé chơi đàn, đánh trống…

Nhờ đó, trẻ được phát triển một cách tự nhiên, sở thích, năng khiếu, đam mê và khả năng tiềm ẩn của từng bé sẽ dần bộc lộ và phát triển. Cô giáo sẽ ghi chép lại những điều này và trao đổi với phụ huynh, từ đó giúp cho việc định hướng nghề nghiệp của trẻ sau này.

Trẻ rất khỏe mạnh

Tôi đến thăm quan trường vào một ngày mùa đông, trời không gợn mây, xanh thăm thẳm, có nắng vàng rực rỡ, nhưng nhiệt độ ngoài trời chỉ vào khoảng 3~5oC, cái lạnh thấm qua da thịt khiến tôi không ngừng run rẩy. Vậy mà tất cả các bé đều mặc quần sooc ngắn. Hôm đó tôi mặc quần bò ở ngoài và cả một quần len ở trong mà vẫn cảm thấy lạnh, trong khi các bé chỉ mặc mỗi một quần sooc mà vẫn chạy nhảy nô đùa bình thường.
giao-duc-mam-non-nhat-ban-mac-quan-sooc
Giáo dục mầm non Nhật Bản – Mặc quần sooc để “tăng cường” sức khỏe
Rất ngạc nhiên, tôi trao đổi cùng cô hiệu trưởng và được biết, việc cho mặc quần sooc như vậy là để rèn luyện sức khỏe, sức đề kháng cho bé. Dù trời có lạnh đến mấy, thậm chí cả trong ngày tuyết rơi các bé vẫn phải mặc quần sooc. Khả năng chịu đựng là điều rất cần thiết, mang tính sống còn ở một đất nước có nhiều thiên tai và khí hậu khắc nghiệt như Nhật Bản. Theo lời cô, trẻ em có khả năng thích nghi rất nhanh, nếu được rèn luyện đúng mức thì khi trưởng thành các bé sẽ có sức khỏe tốt, còn nếu quá nuông chiều hoặc quá chăm chút thì sau này khả năng chịu đựng của trẻ sẽ rất kém.

Trẻ rất tự giác

Khi tôi bước vào lớp, vẫn trong giờ chơi tự do, có vài bé đang chơi đồ hàng, một bé đang vẽ tranh, một số khác đang cắt dán các vỏ hộp giấy để ghép thành hình nhà, thuyền… các bé đang chơi và đùa nghịch nên đồ chơi bày tứ tung trong phòng, mỗi chỗ một cái, từ bút màu, búp bê, nhạc cụ, xếp hình, giấy lộn… rất bừa bãi. Ngay cả bước đi cũng phải cẩn thận nếu không sẽ dẫm vào đồ chơi các bé đang vứt dưới sàn.
Tôi đứng quan sát các bé được một lúc thì đến giờ học, cô giáo từ ngoài bước vào và nhẹ nhàng nói với các bé “Đến giờ nghe kể chuyện rồi, chúng ta cùng dọn đồ chơi đi nào”. Thế là các bé lập tức dừng các trò đang chơi lại, cùng nhau dọn dẹp và kê bàn ghế.
giao-duc-mam-non-nhat-ban-thu-gon-ban-ghe
Giáo dục mầm non Nhật Bản: Cùng thu gọn bàn ghế sau giờ học
Chỉ sau ít phút đồ đạc đã được cất trở về đúng từng ngăn, mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, khoa học, căn phòng trở lại gọn gàng và sạch sẽ.
Tôi không thể tin vào mắt mình khi trước mắt tôi là những em bé mới có 4 tuổi, nhưng lại có thể làm được những điều này, mà lại vô cùng tự giác, không cần cô giáo quát mắng hay thúc giục.
(Xem thêm Nếu có con hãy gửi nó tới nước Nhật: http://akira.edu.vn/neu-co-con-hay-gui-no-den-nuoc-nhat/)


Trẻ rất đoàn kết

mam-non-nhat-ban-doan-ket-giup-do-nhau
Giáo dục mầm non Nhật Bản: Đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng dọn dẹp
Trong lúc quan sát các bé dọn dẹp, tôi phát hiện một điều rất thú vị. Đó là trẻ em Nhật Bản biết giúp đỡ và hỗ trợ nhau từ khi còn rất nhỏ. Mặc dù không phải tất cả các bé đều tham gia chơi và bày biện đồ đạc, nhưng khi dọn dẹp là tất cả các bé cùng xắn tay vào làm, không cần biết là ai bày, các bé chỉ quan tâm đến việc làm sao cho lớp học được gọn gàng sạch sẽ.
Các bé luôn cố gắng nỗ lực tự hoàn thành công việc của mình, ngay cả với những công việc có vẻ hơi quá sức. Và ngay khi thấy bạn mình gặp khó khăn, các bé khác lập tức chạy đến giúp.
Một đứa trẻ 4 tuổi đã biết tự mình nỗ lực, và đã biết chạy tới giúp đỡ bạn mình bất kể lý do, thì cũng không có gì ngạc nhiên trước ý chí vươn lên và tinh thần đoàn kết của dân tộc xứ hoa anh đào này.

Trẻ rất thích học

Chơi đùa thoải mái vô tư là thế, nhưng khi vào lớp học, tất cả các bé đều chăm chú lắng nghe cô giáo, không hề có một tiếng rúc rích trò chuyện nào phát ra từ lớp học gần 20 bé mới chỉ 4 tuổi này. Ngay cả khi cô giáo không có mặt trong lớp, các bé vẫn ngồi ngoan, không hề chạy ra khỏi chỗ.
giao-duc-mam-non-nhat-ban-nghiem-tuc
Giáo dục mầm non Nhật Bản: Rất “nghiêm túc” ngay cả khi không có cô giáo
Không khí trong lớp học của các bé mẫu giáo tại Nhật Bản nghiêm túc không kém gì các anh chị phổ thông trung học.
Rất tò mò, tôi trao đổi với các giáo viên trong trường “Các cô giáo mầm non Nhật Bản thật là tuyệt vời, làm thế nào mà các chị có thể khiến các bé chăm chú lắng nghe, ngoan ngoãn và kỷ luật đến như vậy? Cần giảng dạy ra sao để có sức hấp dẫn mãnh liệt với các bé đến thế?”
Các cô giáo giải thích rằng, nhắc nhở hoặc thậm chí là cả quát mắng đi chăng nữa thì cũng chỉ có thể khiến các bé im lặng trong ít phút, quan trọng là phải làm sao để khơi dậy được sự ham học trong trẻ. Trẻ em rất thích những điều mới lạ, nếu bắt các bé phải ngồi im trong lớp cả ngày thì lớp học sẽ trở thành một cái gì đó rất nhàm chán; ngược lại vì cả ngày đã được nô đùa chạy nhảy thoải mái rồi, do đó với các bé việc học là một cái gì đó rất mới, rất hấp dẫn, rất thú vị (vì thật ra một ngày các bé chỉ ngồi trong lớp học có 30p), nên bé nào cũng háo hức và chăm chú lắng nghe. Các bé không phải học, mà là được học.
Cũng không phải đợi lâu, ngay ngày hôm sau tôi đã được chứng kiến một ví dụ cực kì rõ ràng về câu chuyện được học chứ không phải học này.

 “Được học” chứ không “phải học”

giao-duc-mam-non-nhat-ban-nghe-co-giao-dan
Giáo dục mầm non Nhật Bản – Cùng nghe cô đàn
Hôm đó, trong khi tôi đang ngồi trên một gốc cây lớn ở góc sân trường, lặng lẽ quan sát các bé nô đùa chạy nhảy dưới ánh nắng ấm, và ghi chép lại những dòng suy nghĩ của mình vào quyển sổ tay, bỗng nghe thấy có tiếng dương cầm ở đâu đó vang lên, giai điệu rất quen thuộc, tôi nhận ra đó là một trong những bài hát mà các bé hay hát. Lúc này đồng hồ đã chỉ 1h30 phút, cũng đã đến giờ vào lớp, gập quyển sổ lại và kẹp cây bút bi xanh với ống mực chỉ còn vơi nửa vào gáy sổ, tôi tìm đến căn phòng phát ra tiếng nhạc. Tôi thấy một cô giáo đang chơi đàn, một vài bé đã ngồi sẵn trong lớp và ngân nga hát, thật bất ngờ, các bé đang chơi ở ngoài sân cũng dừng lại và chạy về lớp học, chỉ sau một vài phút các bé đã tập trung đầy đủ trong lớp, cùng hát vang những bản nhạc cô giáo chơi. (cũng thật lạ khi không bé nào hát sai nhạc, điều mà tôi đã tập luyện rất nhiều nhưng vẫn chưa làm được)
Cô giáo giải thích với tôi rằng, cô không cần đi gọi các bé mà các bé vẫn tập trung lại khi nghe tiếng đàn, vì các bé hiểu rằng giờ học sắp bắt đầu và tất cả đều nghĩ rằng “ở trong lớp thú vị hơn”.

Trẻ rất tự lập

Ở Nhật Bản, dù mới chỉ 4 tuổi nhưng các bé sẽ phải tự mình làm hết tất cả các việc, từ ăn uống, mặc quần áo, cho đến thu dọn đồ đạc, kê bàn ghế, làm vệ sinh lớp…
Cô giáo chỉ đứng bên cạnh hướng dẫn và quan sát, rất hiếm khi các cô làm hộ trẻ.
giao-duc-mam-non-tu-mac-quan-ao
Giáo dục mầm non Nhật Bản: Tự tay mặc quần áo chuẩn bị ra về
Đôi khi các bé sẽ gặp khó khăn trong những việc “rất đời thường” đối với người lớn. Em bé trong hình đang cố gắng mặc áo khoác để đi về, trong khi tất cả các bạn bè khác đã mặc xong rồi.
Có vẻ bé đang gặp khó khăn nhưng cô giáo không hề chạy tới mặc hộ bé.
Đến khi bé mặc được áo thì các bạn đã bắt đầu ra về, nhưng bé vẫn kiên nhẫn tự mình tìm cách giải quyết khó khăn.
Cuối cùng thì bé cũng mặc được áo và đi được giầy.
Dù rời khỏi lớp gần như cuối cùng, quần áo và mũ cũng chưa được chỉnh tề lắm, nhưng bé cười thật tươi vì đã tự mình làm được mọi thứ mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của bất cứ ai.
Nếu cô giáo làm hộ thì chỉ mất 1 phút là có thể mặc xong quần áo, đi xong giày, sửa soạn xong đồ cho trẻ, nhưng trẻ sẽ chẳng bao giờ có thể tự làm được, và sẽ chẳng bao giờ tự lập được. Mặc dù trẻ tự làm sẽ cần rất nhiều thời gian, nhưng rèn luyện tính tự lập là điều rất cần thiết và quan trọng cho cuộc sống sau này của trẻ.


Hiểu và làm chủ chứ không né tránh

Với trẻ em Việt Nam, có lẽ 4 tuổi là quá sớm để sử dụng những vật dụng như dao, kéo hoặc những đồ vật sắc nhọn. Khi còn nhỏ tôi cũng đã rất quen thuộc với những lời “nhắc nhở” của bố mẹ hoặc ông bà mỗi khi định sờ vào mấy thứ đó “nguy hiểm quá, chảy máu tay bây giờ!!!”. Có vẻ như với quan niệm của chúng ta thì trẻ con chưa ý thức được sự nguy hiểm và chưa đủ khéo léo để sử dụng tốt những thứ này.
Nhưng trẻ em ở Nhật lại được học cách sử dụng những vật “nguy hiểm” này từ rất sớm.
giao-duc-mam-non-lam-quen-dao-keo
Giáo dục mầm non Nhật Bản: Được làm quen với dao, kéo.
Để bảo đảm an toàn và trẻ sử dụng đúng phương pháp, bố mẹ và thầy cô luôn ở bên cạnh để hỗ trợ và hướng dẫn. Nhưng chỉ hướng dẫn, làm mẫu và trông chừng chứ không làm hộ trẻ. Cô giáo và bố mẹ luôn cố gắng tạo điều kiện tối đa cho các bé phát huy tính tự lập và học cách làm chủ cuộc sống của mình.
Với vấn đề này, giáo dục Nhật Bản quan niệm cần thiết phải dạy để các bé hiểu và làm chủ được cuộc sống, kiểm soát được các mối nguy hiểm chứ không tránh né. Vì sớm muộn gì trong cuộc sống sau này, đây cũng sẽ là vấn đề các bé phải đối diện, làm chủ được càng sớm thì càng tốt.
Giáo dục mầm non Nhật Bản luôn chú trọng vào việc rèn luyện tính cách và thói quen cho trẻ, đặc biệt là khả năng tự lập. Vì đó là những điều cơ bản nhất mà trẻ cần phải rèn luyện được để chuẩn bị cho cuộc sống sau này của mình.