Tết thiếu nhi tại Nhật Bản
Tại Nhật Bản ngày 5 tháng 5 hàng năm trên cuốn lịch treo tường sẽ được đánh dấu bằng màu đỏ gọi là ngày của trẻ em – Kodomo no hi (子供の日). Thời xưa người ta gọi ngày này là Tango no Sekku (端午の節句),theo tiếng Hán cũng có nghĩa là Đoan Ngọ, là ngày lễ chỉ dành cho các bé trai vì các bé gái đã có riêng một ngày vào mùng 3/3 – ngày hội búp bê Hina Matsuri. Sau này, khi người Nhật chuyển sang dùng Dương lịch, ngày này cũng được chuyển sang tổ chức vào ngày 5/5 Dương lịch hàng năm. Sau đó, ngày này được gọi là Ngày thiếu nhi để tránh sự phân biệt giới tính, và là một trong những ngày quốc lễ ở Nhật.
Tết thiếu nhi 5/5 gắn liền với hình ảnh cờ cá chép Koinobori đầy màu sắc bằng vải (trong tiếng Nhật, Koi nghĩa là cá chép, Nobori nghĩa là lá cờ, biểu ngữ) dài hơn 3m được treo trên các cột cao trước ban công hoặc ngoài sân nhà. Nguồn gốc những lá cờ cá chép này xuất phát từ một truyền thuyết cổ xưa của Trung Quốc khi loài cá chép đã bơi vượt qua dòng sông Hoàng Hà hung dữ để hóa rồng. Vì thế, hình ảnh cá chép vượt vũ môn hóa rồng đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm vượt thác dữ, khó khăn để đạt được những thành công trong cuộc sống. Tục lệ treo cờ cá chép trong ngày Tết thiếu nhi của mỗi gia đình Nhật Bản cũng nhằm cầu mong cho các bé sự khỏe mạnh, thành công như cá chép vậy.
1 cây sào thường gồm:
Vòng sắt trên đỉnh (yaguruma 矢車)
Các dây vải dài mỏng (fukinagashi 吹き流し)
1 cá chép đen (magoi 真鯉)
1 cá chép đỏ (higoi 緋鯉)
1 cá chép xanh dương (shigoi 子鯉)
Trong một số ngôi nhà, cá chép được treo tượng trưng cho mỗi thành viên trong gia đình, thông thường họ sẽ treo cá chép màu đen ở trên cùng tượng trưng cho người cha, tiếp đến là cá chép màu đỏ tượng trưng cho người mẹ, và cá chép màu xanh dương tượng trưng cho bé trai. Một số gia đình treo số lượng cá chép đủ theo số lượng thành viên gia đình mình, mỗi người một màu khác nhau nên rất rực rỡ và đầy màu sắc.
Trước đây vào mỗi dịp Đoan ngọ, người Nhật thường cắm sào, lập hàng rào quanh nhà để cầu xin thần linh bảo vệ khỏi quỷ dữ và những điềm gỡ. Sau đó, phong tục này dần dần chuyển thành việc trang trí trong nhà bằng búp bê võ sĩ mặc áp giáp (gọi là yoroi) và đội mũ sắt (gọi là kabuto). Những con búp bê này iểu trưng cho sức mạnh, lòng dũng cảm và tính kiên trì, và được bày biện ở nơi trang trọng nhất.
Bên cạnh các phong tục kể trên thì vào ngày lễ Kodomo no hi, các em bé sẽ được tặng quà và ăn những món ăn truyền thống. Các món ăn không chỉ đẹp mắt, thơm ngon, tốt cho sức khỏe mà còn ẩn chứa những ý nghĩa thú vị. Một món ăn đặc trưng là Kashiwa mochi là loại bánh gạo nếp, nhân đậu và được gói trong lá sồi (kashi nghĩa là sồi), mang ý nghĩa như cây tùng, cây bách, cây sồi tượng trưng cho ý chí vươn lên và sức mạnh vượt qua khó khăn thử thách của một đấng nam nhi hay là bánh chimaki.
Tìm hiểu thêm về lễ hội búp bê ở Nhật tại đây
Nguồn: Akira
0 nhận xét:
Đăng nhận xét