Nếu đến thăm Nhật Bản vào giữa tháng 11, bạn sẽ có dịp ngắm nhìn những cô cậu bé dễ thương xúng xính trong bộ Kimono hay Hakama truyền thống, theo chân ba mẹ đến đền Thần đạo dự lễ Shichi-go-san. Mỗi đứa trẻ cầm trên tay thanh kẹo Chitose ame (kẹo ngàn năm) có hai màu trắng, đỏ – những màu thường dùng trong các dịp tốt lành – đi kèm với chiếc túi giấy dài in hình hạc rùa (biểu tượng của sự trường thọ) hay shouchikubai (tùng, trúc, mai).
Shichi-go-san là lễ hội thường niên được tổ chức vào giữa tháng 11 hàng năm, để đánh dấu sự trưởng thành của những đứa trẻ khi chúng tròn 3, 5, 7 tuổi. Shichi-go-san có nghĩa chỉ các con số “bảy, năm và ba”. Những con số này đánh dấu bước trưởng thành quan trọng trong cuộc đời những đứa trẻ.
Tài liệu chép rằng lễ Shichi-go-san hiện nay bắt nguồn từ thời Edo, khi tướng quân Tokugawa Iemitsu lo lắng cho đứa con trai ốm yếu của mình là Tokumatsu (người sau này chính là vị Tokugawa Shogun thứ 5, Tsunayoshi) nên đã đến đền thần để cầu nguyện vào ngày 15/11 năm con trai ông lên 5 tuổi.
Vào thời Edo, tỉ lệ sinh tồn của trẻ sơ sinh chỉ đạt khoảng 50%, với nguyên nhân tử vong chủ yếu là do các bệnh truyền nhiễm như đậu mùa và sởi. Cả những gia đình quý tộc cũng không phải là ngoại lệ. Chẳng hạn trong 55 đứa con của vị Shogun thứ 11 Ienari Tokugawa có tới 32 người qua đời khi chưa đầy 2 tuổi.
Đó là lý do khiến người Edo tin rằng: “Khi chưa tròn 7 tuổi, mọi đứa trẻ đều thuộc về Thượng đế” (Nana-sai made ha, Kami no uchi). Kể từ khi được sinh ra, tất cả các đứa trẻ đều được xem như đang đứng chênh vênh giữa hai thế giới, và chưa hoàn toàn thuộc về thế giới con người. Chỉ từ sau ngày sinh nhật lần thứ 7, đứa trẻ mới thực sự trở thành ichinin-mae (người trưởng thành) và khi đó mới được ghi tên trong sổ hộ tịch.
Ngày nay, tuy ở mỗi địa phương có tập tục khác nhau nhưng tất cả đều có một đặc điểm chung. Đối với các bé gái 3 tuổi, đây là thời điể đầu tiên có thể quấn tóc theo cách của người lớn. Những bé trai 5 tuổi sẽ được tặng Hakama, một loại kimono truyền thống của nam. Còn với các bé gái 7 tuổi sẽ được tặng Obi, khăn quàng tay lụa để măc cùng kimono.
Vào những ngày này, ông bà, bố mẹ, anh chị sẽ đưa những bé đến 3,5,7 tuổi mặc những bộ kimono sặc sỡ tới các đền để cám ơn thần linh đã phù hộ cho chúng được khỏe mạnh và xin được chúc phúc. Khi tới thăm các ngôi đền, các bố các mẹ sẽ mua cho con mình kẹo 1000 năm (chitose-ame). Kẹo có hình dáng như chiếc que với rất nhiều mày nhừn phổ biến là trắng, hồng hoặc đỏ và được đựng trong một chiếc túi mang hình ảnh tượng trưng của loài sếu và rùa – hai loài động vật truyền thống, tượng trưng cho sức khỏe và cuộc sống lâu bền ở Nhật Bản. Kẹo và chiếc túi thể hiện niềm hi vọng của cha mẹ rằng con cái họ sẽ sống lâu và giàu có.
Shichi-go-san ngày nay có ý nghĩa đơn giản hơn, nhưng với các bậc cha mẹ Nhật Bản, đó luôn là một dịp lễ xúc động và hạnh phúc, khi được chứng kiến thêm một nghi thức nữa chứng tỏ đứa con yêu dấu của mình đã lớn khôn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét