Lễ hội Kanda
Lễ hội Kanda được tổ chức vào hai ngày Thứ bảy và Chủ nhật thứ hai của tháng 5 hàng năm, để vinh danh chiến công vang dội của các Shogun và ca ngợi những người vợ của họ. Đây cũng là cơ hội để họ được tự hào về chính mình. Trước đây, lễ hội thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 9, vì đây là ngày vị tướng Ieyasu Tokugawa3 đã giành chiến thắng quyết định trong trận chiến Sekigahara.
Nhờ chiến thắng này, Ieyasu Tokugawa đã trở thành một trong những biểu tượng Shogun hay một vị thần của Thần đạo Shogun của Nhật Bản. Và do đó, người dân Edo bắt đầu gọi lễ hội Kanda là lễ hội Tenka, với ý nghĩa là lễ hội của/thống nhất non sông, hay lễ hội Chế độ Tướng quân (Shogunate festival) vì Tướng quân Ieyasu Tokugawa đã thống nhất được toàn nước Nhật. Trong thời kỳ Edo (1603 – 1868), các Kanda Matsuri được tổ chức trong khuôn viên lâu đài Edo, nơi Shogun có thể xem đám rước diễu hành. Đó là lý do tại sao lễ hội này còn được biết đến như là Edo Tenka Matsuri – lễ hội của Đạo Thờ thần Shogun với sức mạnh của trời đất. Đã thành truyền thống, Kanda Matsuri thường được bắt đầu với một đại lễ tạ ơn đối với các Thánh thần và điểm đặc biệt là đại lễ này được thực hiện thông qua nghệ thuật kịch Noh5. Để cầu nguyện cho hòa bình và cho sự no đủ quanh năm, người dân trong vùng tổ chức các buổi biểu diễn Noh, vì với việc tham gia kịch Noh, người ta có thể vào vai/nhập thân vào các vị thần linh để “xác nhận” và “đáp ứng” những mong ước, những lời nguyện cầu. Điều đó tạo nên niềm tin mạnh mẽ vào sự giúp đỡ của thần linh đối với những lời khấn cầu của họ.
Sau lễ tạ ơn thần linh, tại đền Kanda, người ta tiếp tục làm lễ để đưa linh hồn của ba vị Thánh (Daikoku, Ebisu và Masakado) nhập vào ba chiếc mikoshi (một loại kiệu như đền thờ di động thu nhỏ), mô phỏng kết cấu của ngôi đền, với đầy đủ cấu trúc cột, rường, mái, tường bao… và trang trí hình phượng hoàng trên nóc. Cùng lúc đó, tại các ngôi đền lân cận, nơi dừng chân của các vị Thánh này trước đây, người dân địa phương cũng làm lễ nhập hồn Thánh vào kiệu có bánh xe (horen) để chuẩn bị cho các cuộc rước. Đây là nghi lễ rất linh thiêng và quan trọng, được thực hiện vào buổi tối trước ngày lễ hội chính.
Sau những nghi lễ tạ ơn và nhập hồn Thánh là hai đám rước rất lớn hay hai cuộc diễu hành tâm linh rầm rộ, náo nhiệt trong hai ngày lễ hội chính Đám rước hay cuộc diễu hành dọc theo các con phố lớn xung quanh đền Kanda và đặc biệt sẽ dừng lại trước các cửa hàng lớn trên khu vực để đáp lễ và để chủ nhân của các cửa hàng được phép làm lễ trước đám rước, vì chủ những cửa hàng này chính là những nhà hảo tâm, công đức chính cho đền và cho việc tổ chức lễ hội hàng năm. Trong buổi chiều đầu tiên, một số mikoshi của người dân địa phương, cùng với các nhạc sĩ chơi trống và sáo, sẽ được mang rước khắp các phố rồi trở về các ngôi đền nhỏ của họ. Một nghi lễ của đạo Shinto sẽ được tổ chức ngay sau đám rước, theo sau là một điệu nhảy truyền thống cầu cho sự thịnh vượng và một vụ mùa bội thu.
Cuộc diễu hành của ngày thứ hai bắt đầu từ 10h sáng cho tới khi mặt trời lặn, với hơn 70 mikoshi từ các ngôi đền thuộc 44 quận lân cận lần lượt tiến về đền Kanda để được ban phúc lộc. Nét độc đáo của Kanda Matsuri chính là các mikoshi – đền thờ di động, mang trong đó sự linh thiêng của Thần đạo Shinto và linh hồn các vị Thánh được tôn thờ, được rước qua các con phố để ban phát sự may mắn và thịnh vượng cho những người buôn bán và cư dân địa phương trước khi tề tựu thực hiện nghi lễ tại đền Kanda.
Sự đa dạng về thành phần tham gia lễ hội Kanda nói riêng và hầu hết các lễ hội truyền thống của Nhật Bản nói chung thể hiện ở những người khiêng, kéo kiệu, bao gồm cả đàn ông và phụ nữ ở các lứa tuổi từ thanh thiếu niên đến trung niên và cả những người cao tuổi. Ngoài ra, để tạo nên sự đa dạng mà các cộng đồng luân phiên nhau theo mỗi dịp lễ hội, sẽ trang trí một mikoshi bằng sơn đỏ rực mà người khiêng chỉ là phụ nữ trẻ trong lễ phục màu đỏ và một mikoshi mà người khiêng là các thiếu nhi trong độ từ 7 đến 10 tuổi. Sự xuất hiện của tất cả các mikoshi này làm khuấy động mọi tuyến đường, những nơi mà họ đi qua bởi tiếng hô vang “Wasshoi, Wasshoi”, tạo sự hưng phấn và chuyển động nhịp nhàng, của mikoshi nặng trĩu, được mang trên vai của người khiêng kiệu theo từng bước nhún nhảy uyển chuyển của họ. Họ tin rằng, thần linh đã “giáng” và “ngự” trên mikoshi đã làm chuyển động mikoshi, vì thế nên dù mikoshi rất nặng, nhưng họ lại càng hưng phấn hơn, cùng nhau hô “Wasshoi, Wasshoi !” và nhún nhảy uyển chuyển hơn, với sự cổ vũ của người dân xem lễ hội kín hai bên đường.
Tìm hiểu thêm về lễ hội tuyết yuki matsuri tại đây
Nguồn: Akira
0 nhận xét:
Đăng nhận xét